Sáp nhập Tây Nguyên Nam_tiến

Tây Nguyên nằm ở vị trí giữa 3 nhà nước: đế chế Khmer, vương quốc Champa và các vương quốc trên lãnh thổ Lào, là nơi tranh chấp giữa các nước, vùng này thường xuyên đổi chủ. Khu vực này là vùng xung đột chủ yếu giữa hai nước là Champa và Khmer, nó không thực sự thuộc về bên nào khi thì thuộc Champa, khi thì thuộc về đế chế Khmer, thậm chí có lúc một phần thuộc về Ai Lao tùy thuộc vào sức mạnh từng thời kỳ của các nước này. Phần lớn thời gian, Tây Nguyên thuộc chủ quyền Champa.

Từ thời các chúa Nguyễn, các bộ lạc ở Tây Nguyên mà mạnh nhất là bộ tộc người Gia Rai với các vị tiểu vương Thủy Xá, Hỏa Xá đã từng triều cống chính quyền Đàng Trong. Vào năm 1830, vua Minh Mạng sáp nhập vùng đất Tây Nguyên ngày nay và đưa vào bản đồ Đại Nam, mặc dù không hề có người Kinh sinh sống cũng như quan lại cai trị. Tây Nguyên lúc đó được xem là vùng tự trị của Việt Nam. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp xem Tây Nguyên là một phần lãnh thổ Việt Nam. Họ khai phá, thiết lập hệ thống chính quyền và đưa người Kinh từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Sau khi Việt Nam giành độc lập các chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục làm điều mà người Pháp đã làm với Tây Nguyên.